Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu hiện nay, một trong những giá trị khác biệt giữa các tập đoàn, doanh nghiệp chính là nguồn lực nhân viên. Việc đào tạo và phát triển nhân viên hiệu quả là một quá trình phức tạp cần có thời gian, nỗ lực và kỳ vọng của các nhà quản lý. Nếu thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả và giá trị mang lại thành công cho doanh nghiệp sẽ là không nhỏ.
Theo thống kê của Hội Phát triển và Đào tạo Mỹ (ASTD), 70% chất lượng sau các khóa đào tạo đều thất bại. Lí do cho sự thất bại đó là gì? Sai lầm lớn nhất trong quá trình đào tạo chính là do đối tượng học viên hoặc ngay cả người quản lý doanh nghiệp vẫn chưa thể hiểu hết một chương trình đào tạo thành công cần yêu cầu những gì? Thực tế cho thấy, những bước để tiến hành quá trình đào tạo được xác định rất rõ ràng, và tách biệt.
Sau đây là 5 bước giúp nhà quản lý xác định và xây dựng một chương trình đào tạo hợp lý cho nhân viên.
Bước 1: Khảo sát
Đây là bước tiền đề có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Ngay khi doanh nghiệp lên kế hoạch đào tạo, họ cần nắm bắt được thực trạng về trình độ của nhân viên như thế nào và hiệu quả sau khi được đào tạo sẽ cải thiện đến đâu. Trong bước khảo sát, cần lưu ý một số điểm sau:
1. Phân tích nhu cầu đào tạo;
2. Phỏng vấn các đối tượng liên quan;
3. Xác định và ưu tiên các bộ phận có khả năng phát triến sau khi đào tạo;
4. Phân tích những lợi ích có thể đạt được sau khi đào tạo.
Bước 2: Lập kế hoạch
Có rất nhiều lí do để mỗi công ty đưa ra kế hoạch đào tạo trong từng thời điểm: xếp hạng nhân viên qua năng lực cạnh tranh được cải thiện, nâng cao hiệu quả làm việc, tận dụng thời gian lãng phí… Trong bước lập kế hoạch, nhà quản lý nên phát triển một kế hoạch đào tạo chiến lược, xác định phạm vi chương trình đào tạo, xây dựng chương trình hay phác họa tình huống kinh doanh đào tạo.
Bước 3: Phát triển chương trình
Nhà quản lý nên xem xét chương trình phù hợp với từng cá nhân hoặc nhóm, sau đó xây dựng chương trình dựa vào nhu cầu đó. Trong bước này, trước hết cần xác định và quyết định lựa chọn chương trình học nào là phù hợp. Có đa dạng các mô hình học như trực tuyến, thảo luận trực tiếp, đào tạo từ xa… Tuy nhiên, dù học ở phương pháp nào đều phải theo một hệ thống từ kiến thức đến thực hành, hoặc cao hơn là nghiên cứu, tổng hợp và đánh giá.
Bước 4: Thực hiện
Sau khi xây dựng được chương trình phù hợp, việc tiếp theo là đăng ký học viên để nắm rõ được số lượng, bố trí lớp học, sắp xếp giảng viên và chuẩn bị thiết bị học tập hỗ trợ. Trong quá trình đào tạo cần phải có nhân viên quản lý lớp để kiểm tra việc thực hiện và cuối khóa học sẽ có bài kiểm tra để đánh giá chất lượng học tập của nhân viên.
Bước 5: Báo cáo khóa học
Sau quá trình đào tạo, cán bộ quản lý phải tổng hợp các tài liệu báo cáo và quy tình thực hiện. Đây là bước cuối cùng và thực sự quan trọng cho công ty để nhận biết dấu hiệu cho thấy liệu rằng đào tạo có thành công hay nhân viên chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Điều này sẽ là cơ sở quyết định nhu cầu nào cần được đào tạo trong tương lai. Báo cáo tổng kết khóa học phải dựa trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực và đưa ra giải pháp cải thiện trong tương lai để quá trình đào tạo trong doanh nghiệp được duy trì.