Người dân đang quan tâm năm 2012, kinh tế Việt Nam sẽ vận hành như thế nào?
Năm 2011, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế là năm khó khăn nhất cho doanh nghiệp (DN) nước ta trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhưng với những biện pháp điều hành linh hoạt, hợp lý, đặc biệt là việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng như khởi động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong năm 2011, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn với nhiều điểm sáng ấn tượng. Chỉ còn gần 2 tuần nữa là chúng ta bước sang năm mới. Người dân đang quan tâm năm 2012, kinh tế Việt Nam sẽ vận hành như thế nào?
Bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thống kê:Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát
– Bà đánh giá như thế nào về việc điều hành giá cả đầu vào của những mặt hàng sản xuất trong năm 2011?
Chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường là hoàn toàn đúng nhưng việc thực hiện cần phải xem xét trong từng thời gian cụ thể, từng thời điểm thích hợp, không để tạo ra cú sốc cho DN và người tiêu dùng. Việc điều hành giá trong những tháng đầu năm 2011, đặc biệt là 2 tháng đầu năm, có nhiều bất cập. Chúng ta vừa điều chỉnh tỉ giá, làm tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, rồi ngay sau đó điều chỉnh tăng giá điện, xăng, dầu, than. Một loạt mặt hàng tăng giá trong thời gian gần nhau ngay lập tức làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Bình thường sau Tết, chỉ số giá tiêu dùng giảm, nhưng năm 2011, sau Tết, trong tháng 2 và 3, giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn tăng cao, lên tới đỉnh điểm trong tháng 4. Điều này gây khó khăn cho DN và đời sống người dân. Người dân gặp khó khăn phải cắt giảm chi tiêu làm cho hàng hóa của DN tiêu thụ chậm. Tồn kho của DN trong năm 2011 khá lớn.
Mục tiêu của trong năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số. GDP tăng trưởng 6%. Bội chi ngân sách dưới 4,8%, kim ngạch xuất khẩu 13%, nhập siêu 11 – 12%, tăng trưởng tín dụng từ 13 -1 5%. (Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012) – Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm qua có gì đáng chú ý, thưa bà?
Hệ thống ngân hàng có những bất ổn, gây khó khăn cho DN. Việc hạn chế tín dụng cho DN một cách đồng loạt mà không có sự phân biệt giữa các loại DN đã khiến nhiều DN phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất. Theo tôi, cần có sự chia sẻ lợi ích giữa DN và ngân hàng, người tiêu dùng. Chính phủ đang kỳ vọng giảm lãi suất cho vay xuống thấp. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chưa chắc đã tạo thuận lợi cho DN và xã hội bằng việc chúng ta ưu tiên giảm lạm phát, đưa xuống ở mức một con số. Khi lạm phát giảm sẽ làm lợi cho cả cộng đồng, từ DN cho đến ngân hàng và người tiêu dùng, ổn định xã hội. Nguyên nhân sâu xa của lạm phát tăng cao là ở cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng không phù hợp, chậm được điều chỉnh dẫn đến hiệu quả thấp. Vì vậy, để giảm lạm phát, việc tái cơ cấu nền kinh tế là một chủ trương đúng đắn.
– Bước sang năm 2012, nền kinh tế phải lưu ý những điểm gì, thưa bà?
Hiện nay, kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, lạm phát được kiểm soát và sản xuất đang trên đà phục hồi. Trong năm 2012, chúng ta chú ý đến những khó khăn sau: Khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu và Mỹ sẽ khiến họ phải cắt giảm đầu tư khiến thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bị thu hẹp. Nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng giảm. Giá hàng hóa (nguyên nhiên vật liệu) trên thế giới tăng giảm bất thường gây khó khăn cho DN. Trong nước, một số tồn tại từ năm 2011 đưa sang, lạm phát cao, rủi ro về thanh khoản nợ xấu ngân hàng vẫn tăng, sản xuất đình trệ, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, còn gặp nhiều khó khăn. Sự yếu kém về mặt xã hội như: ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… đều ảnh hưởng tới tình hình phát triển KT – XH năm 2012. Năm 2012, Chính phủ đã xác định, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu chúng ta kiên quyết đi theo định hướng đã đề ra, kinh tế sẽ hồi phục và khởi sắc.
– Xin cảm ơn bà!
Ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần Thạch Bàn: Ngân hàng đang sống trên lưng DN
Trong năm 2011, công ty chúng tôi gặp những khó khăn mà các DN khác gặp phải. Đầu năm 2011, chi phí đầu vào tăng cao. Chính sách thắt chặt tín dụng khiến các DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn hoặc có tiếp cận được vốn thì với lãi suất rất cao, hiện công ty đang phải vay với lãi suất 23%/năm. Chúng tôi cũng không được vay tín chấp nữa mà tất cả là thế chấp. Trong khi đó, thị trường giảm sút khiến hàng hóa khó bán. Để đối phó với khó khăn, ngay từ đầu năm 2011, chúng tôi đã lập kế hoạch rất kỹ, từ việc cắt giảm chi phí, sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị trường đến việc đưa ra hàng loạt các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp hữu ích liên quan đến quản lý, thị trường. Một thực tế là các DN vừa và nhỏ mặc dù làm ăn hiệu quả nhưng rất khó tiếp cận được vốn. Nếu có tiếp cận được vốn, lãi suất cũng rất cao. Trong khi đó, nhiều tổng công ty, tập đoàn, kể cả các công ty nước ngoài, làm ăn không hiệu quả lại tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Ngân hàng đang sống trên lưng của DN. Trong khi hàng loạt DN bị phá sản thì hệ thống ngân hàng luôn báo lãi với mức lãi khổng lồ.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới: Tập trung tái cấu trúc nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn, các DN phải chấp nhận khó khăn chung, chủ động giảm bớt sản xuất, co cụm lại để phòng thủ, chứ không nên trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Gần đây, có một vài dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ đang được nới lỏng nhưng theo tôi, thời điểm này chưa nên. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến DN khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên, chúng ta không nên đồng nhất tất cả DN. Những DN xuất khẩu cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy rủi ro từ việc dòng tiền chạy nhiều vào khu vực BĐS và chứng khoán nên đã kịp thời khoanh lại. Nếu để hệ thống ngân hàng bị “nhiễm độc”, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị tê liệt ngay. Trong năm 2012, kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam qua 2 con đường xuất khẩu và FDI, sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm. Về xuất khẩu, chúng ta chủ yếu là xuất khẩu những hàng hóa thiết yếu, nên dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đây vẫn là nguồn hàng các nước cần. Về FDI, trong khi nhiều nước trên thế giới gặp nhiều bất ổn thì đầu tư vào Việt Nam vẫn an toàn hơn. Vì vậy, trong năm 2012, chúng ta cần tập trung giải quyết tốt những bất ổn trong nước. Cố gắng đưa lạm phát xuống dưới 1 con số như Chính phủ và QH kỳ vọng. Bên cạnh đó là tái cấu trúc nền kinh tế. Việc tái cấu trúc sẽ phải mất nhiều thời gian, sức lực, chi phí. Làm được hai việc lớn ấy trong năm mà tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được 6% là quá tuyệt vời, không nên cố gắng quá mức. Bởi nếu cứ tập trung để đạt được tăng trưởng thì sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề.
Tiến sĩ Tran Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Cứu hệ thống DN
Năm 2012, nhiệm vụ chính vẫn là kéo lạm phát xuống để hạ lãi suất, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, cứu hệ thống DN. Năm 2012 còn một điểm nhấn đặc biệt khác, đó là tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng. Để diễn ra quá trình tái cơ cấu, cần ổn định nền kinh tế nhằm tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây là hai mục tiêu – nhiệm vụ ưu tiên cao nhất. Năm 2012, phải biết đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức ít tham vọng nhất. Cần gạt bỏ triệt để căn bệnh “nghiện” thành tích tốc độ tăng trưởng. Chính phủ và cả hệ thống chính trị cần coi trọng hơn hệ thống đánh giá năng lực và thưởng phạt căn cứ vào thành tích chống lạm phát và khôi phục lòng tin. Muốn vậy, phải cải cách hệ thống lương trong khu vực Nhà nước, coi đây là phương cách quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước./.