Phân tích SWOT là một kỹ thuật được sử dụng phổ biến để xác định định hướng chiến lược trong kinh doanh hiện đại. Vậy SWOT là gì và sử dụng kỹ thuật phân tích SWOT như thế nào trong quản trị chiến lược? Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về kỹ thuật này.
Phân tích SWOT là gì?
SWOT là tập hợp viết tắt của những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths – điểm mạnh, Weaknesses – điểm yếu, Opportunities – cơ hội và Threats – nguy cơ. Đây là công cụ rất hữu ích giúp nhà quản trị tìm hiểu vấn đề và ra quyết định trong việc tổ chức, quản lý cũng như trong kinh doanh. Nói cách khác, SWOT là khung lý thuyết mà dựa vào đó, nhà quản trị có thể xét duyệt lại các chiến lược, các định vị thế cũng như hướng đi của một tổ chức, một công ty, phân tích các đề xuất kinh doanh hay bất cứ ý tưởng nào liên quan đến quyền lợi doanh nghiệp.

Bốn chiều đánh giá của SWOT là mở rộng của 2 chiều “điểm mạnh” và “điểm yếu”. Phân tích SWOT có thể sử dụng cho mọi kiểu ra quyết định và khuôn mẫu SWOT cho phép tư duy một cách tích cực, vượt ra khỏi khuôn khổ thói quen hay bản năng.
Thực tế cho thấy, việc vận dụng phân tích SWOT trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, hoạch định chiến lược, đánh giá đối thủ cạnh tranh, khảo sát thị trường, phát triển sản phẩm,… đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện mục tiêu kinh doanh thành công. Tất nhiên, để làm được điều đó, mỗi nhà quản lý cần nắm vững cách sử dung kỹ thuật phân tích này.
Sử dụng kỹ thuật phân tích SWOT trong quản trị chiến lược
Sau khi phân tích các yếu tố của môi trường vĩ mô và môi trường ngành kinh doanh doanh nghiệp thường xác định rõ những cơ hội và nguy cơ từ môi trường bên ngoài, những điểm mạnh và điểm yếu từ trong nội bộ doanh nghiệp để làm căn cứ cân nhắc và xây dựng các định hướng, phương án chiến lược. Sử dụng kỹ thuật SWOT sẽ giúp nhà quản trị chiến lược thực hiện tốt điều đó.
Khi phân tích SWOT, điều đầu tiên là xác định chủ đích phân tích một cách thật rõ ràng. Chỉ khi đó mới có thể mong đợi người khác đóng góp được vào quá trình phân tích, và những ai xem kết quả phân tích có thể hiểu được mục đích của phương pháp phân tích, đánh giá và quan hệ giữa các thành tố ở SWOT.
Ma trận SWOT được sử dụng để hình thành phương án chiến lược theo các bước

Bước 1: Tổng hợp kết quả phân tích môi trường kinh doanh – cơ hội và nguy cơ
Trên cơ sở những kết quả phân tích tất cả những yếu tố thuộc môi trường nền kinh tế như: yếu tố kinh tế, chính trị và luật pháp, yếu tố về công nghệ, văn hóa xã hội,…, nhà quản lý cần lập bảng tổng hợp, đánh giá môi trường kinh doanh và nhận diện rõ cơ hội và thách thức đang đặt ra cho doanh nghiệp. Hay nói cách khác là cần phải đánh giá và xếp hạng các cơ hội – thách thức.
Bước 2: Tổng hợp kết quả phân tích môi trường nội bộ doanh nghiệp – điểm mạnh và điểm yếu
Phân tích môi trường nội bộ doanh nghiệp nhằm phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp đó để xây dựng hệ thống mục tiêu và các chiến lược thích hợp nhằm tận dụng tối đa các điểm mạnh và có thể biến chúng thành khả năng đặc biệt, đồng thời hạn chế được những điểm yếu. Với những kết quả phân tích nội bộ, nhà quản lý cần phải lập bảng đánh giá và xác định rõ điểm mạnh – yếu của doanh nghiệp.
Bước 3: Tổng hợp kết quả và hình thành ma trận SWOT – thế mạnh và điểm yếu, cơ hội và nguy cơ
Một doanh nghiệp không nhất thiết phải theo đuổi các cơ hội tốt hất mà có thể thay vào đó là tạo dựng khả năng phát triển lợi thế cạnh tranh bằng cách tìm hiểu mức độ phù hợp giữa các điểm mạnh vào cơ hội sắp đến. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể khắc phục điểm yếu của mình để giành được những cơ hội hấp dẫn. Để phát triển chiến lược dựa trên bản phân tích SWOT, nhà quản lý cần phải tổng hợp kết quả đánh giá cơ hội, nguy cơ và điểm mạnh, điểm yếu để kết hợp các yếu tố này hình thành các nhóm phương án chiến lược cho doanh nghiệp.

Nhóm phương án chiến lược hình thành:
Chiến lược S-O nhằm sử dụng điểm mạnh của doanh nghiệp để tận dụng những cơ hôi bên ngoài
Chiến lược W-O nhằm khắc phục các điểm yếu để tận dụng các cơ hội từ bên ngoài
Chiến lược S-T nhằm sử dụng điểm mạnh để đối phó những nguy cơ từ bên ngoài
Chiến lược W-T nhằm khắc phục các điểm yếu để làm giảm nguy cơ từ bên ngoài
Phân tích SWOT là phương pháp dễ áp dụng và sử dụng vào nhiều hoạt động trong doanh nghiệp. Thực hiện tốt SWOT sẽ là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng chiến lược hiệu quả để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Tham khảo thêm: Quản trị chiến lược mang lại lợi ích gì?