Sau khi đội lên đầu chiếc mũ cử nhân và hoàn thành xong chương trình đại học, có những người lựa chọn kết thúc con đường học vấn và bước ra ngoài tạo dựng sự nghiệp của riêng mình. Bên cạnh đó, có nhiều người vẫn muốn trau dồi thêm những kiến thức cũng như tạo dựng cho mình một nền tảng vững chắc hơn trong tương lai. Và điều họ cân nhắc tiếp theo là lựa chọn một chương trình thạc sĩ chuyên ngành hay một chương trình MBA phù hợp với mình.
Vậy thì chương trình MBA và chương trình thạc sĩ chuyên ngành có điểm gì khác nhau?
Nội dung nghiên cứu
Dù được coi là tấm bằng thạc sĩ chuyên môn, nhưng thay vì hướng học viên học tập chuyên sâu một ngách cụ thể như những chương trình thạc sĩ chuyên môn khác , chương trình MBA đào tạo tổng hợp và đưa học viên đi đến mọi ngách của vấn đề kinh doanh như Kế toán, Luật Kinh doanh, Quản trị nguồn nhân lực, phân tích tài chính, Marketing…

Không đi vào quá sâu về từng lĩnh vực, chương trình MBA đem cho các học viên tầm nhìn bao quát cùng tư duy chiến lược trong quản trị kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng để tạo nên những nhà lãnh đạo tài ba. Một nhà quản trị có năng lực sẽ không nhất thiết phải hiểu quá sâu về một lĩnh vực chuyên môn nhưng họ buộc phải có khả năng hiểu từng công việc trong bộ máy doanh nghiệp để giữ cho công việc luôn vận hành trôi chảy.
Mục tiêu đào tạo
Sự khác biệt về nội dung đến từ mục tiêu đào tạo hoàn toàn khác biệt. Nếu như mục tiêu của những chương trình thạc sĩ chuyên môn là đào tạo ra những chuyên gia trong lĩnh vực của họ thì mục tiêu của chương trình MBA là đào tạo ra những nhà quản lý có thể tổ chức điều hành các đội nhóm của nhiều lĩnh vực khác nhau.

MBA là một lựa chọn tốt khi người học có định hướng trở thành nhà quản trị của các công ty hay phát triển sự nghiệp kinh doanh của riêng mình. Còn chương trình thạc sĩ chuyên môn sẽ giúp người học có những kiến thức chuyên ngành vững chắc để bước tiếp trên con đường nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực chuyên môn.
Phương pháp giảng dạy
Phương pháp giảng dạy trong chương trình đào tạo MBA là “case study”. Những ví dụ thực tế, những vấn đề về kinh doanh sẽ được các học viên đem ra “mổ xẻ”, suy ngẫm và bàn luận theo từng nhóm. Việc sử dụng phương pháp case study trong giảng dạy cũng giúp người học nâng cao tính sáng tạo, khả năng tư duy và cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề một cách chủ động, linh hoạt.

Đồng thời, người học cũng phát triển những kỹ năng mềm khác như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức công việc, kỹ năng lãnh đạo… Các phương pháp giảng dạy khác tuy vẫn được ứng dụng trong chương trình MBA nhưng xuất hiện ít hơn.